Alin Admin
Bài gửi : 739 Tiền na : 8166 Thích : 10
| Sun Jul 24, 2011 11:46 pm | |
| Bửu Long không chỉ được nhắc đến như một điểm du lịch có nhiều thắng cảnh đẹp với Văn miếu Trấn Biên nổi tiếng xa gần, ngoài ra nơi đây còn tồn tại một ngôi chùa già gần 400 năm tuổi. Đây là một trong ba ngôi chùa có niên đại và kiến trúc được xây dựng sớm nhất ở Đồng Nai. Ngôi chùa cổ kính tọa lạc ngay trên núi Bửu Phong (phường Bửu Long, Tp.Biên Hòa), phía sau Văn miếu Trấn Biên.
| Bức tượng Phật A Di Đà 400 năm tuổi bằng gỗ mít tại chùa. | Miêu tả về ngôi chùa, theo “Lịch sử Bửu Phong cổ tự” ghi theo sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” có viết: “Núi Long Ẩn phía nam huyện Phước Chánh 25 dặm, đất đá lộn nhau, cây cối xanh tốt, hình núi uốn cong và cao đẹp, dưới có đá thủy tinh. Núi này làm hậu bình cho Văn miếu. Bửu Phong ở phía nam huyện Phước Chánh, phía tây dòm xuống dòng sông lớn, làm hậu vệ cho núi Long Ẩn. Trên có chùa Bửu Phong, khói mây man mác, cây cối um tùm, là thắng cảnh thứ nhất trong tỉnh hạt. Khi xưa có sư tăng hiệu Bửu Phong, hòa thượng lập chùa trên núi, nên gọi là núi Bửu Phong”.Phong cảnh đẹp tự nhiên kết hợp một cách hài hòa về phong thủy của núi Bửu Phong đã từng được nhiều danh tăng và nhân sĩ Nho học ghi lại trong thơ và câu đối khắc tại chùa. Có thể kể đến như câu đối trước cổng lớn của chùa nói về cảnh tứ linh bao quanh: “Bửu thạch long đầu, cổ cảnh linh qui tại – Phong sơn hổ cứ, vạn đại chiếu phùng tồn” (tạm dịch là “Đá quí rồng chầu, cảnh xưa rùa linh thường hiển hiện – Đỉnh non cọp ngự, muôn đời phượng múa hãy còn đây”). Cảnh tứ linh ở đây là “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Châu Tước, hậu Huyền Vũ”. Nghĩa là bên tả có đá Hàm Rồng, bên hữu có đá Hàm Hổ, trước mặt tiền chùa có núi Châu Thới, sau chùa có cù lao Rùa. Đại thần Trịnh Hoài Đức đến vãn cảnh chùa, lúc ông ngồi phía sau chùa nhìn xuống dòng sông Đồng Nai uốn khúc như hình thanh long lượn giữ chân núi đã thốt lên rằng “Đây là nơi địa linh nhân kiệt”.Theo Trụ trì hiện tại của chùa là Ni Trưởng thượng Huệ hạ Hương, nét đặc sắc nổi bật của ngôi Cổ tự là ở kiến trúc. Đây là một trong những ngôi chùa cổ trong vùng hoàn toàn xây dựng theo kiến trúc của người Việt. Chùa được xây dựng theo hình chữ Tam, giống kiến trúc các chùa thời nhà Trần ở miền Bắc. Chùa gồm có: chính điện, giảng đường và hậu tổ tiếp nối liền nhau. Chùa được xây dựng bằng gạch thẻ kết hợp vôi trắng, mái lợp ngói âm dương. Mặt tiền chùa Bửu Phong được những nghệ nhân đất Thần Kinh trang trí rất công phu bởi các bức phù điêu, ghép từ các mảnh sành tinh vi, độc đáo mang tính nghệ thuật cao theo phong cách triều Nguyễn. Những đề tài điêu khắc, đắp vẽ trong chùa là Cuốn thư, lân ngậm trái châu, rồng chầu mặt trời, tượng bằng sành sứ về ông Nhật bà Nguyệt, nhóm tứ linh (long, li, qui, phụng), tứ quí (mai, lan, cúc, trúc), chữ vạn, dây lá cách điệu… thể hiện cho ước mơ về quyền uy, sức mạnh, sự an nhàn thịnh vượng. Đặc biệt, ở hai cột chính giữa mặt tiền có cặp câu đối nói lên ý nghĩa tên chùa: “Bửu nhạc dịu dàng như Tứu Lĩnh – Phong sơn đẹp đẽ tựa Kỳ Viên”. Tất cả tạo cho mặt tiền chùa vừa rực rỡ trang nghiêm, vừa uy nghi cổ kính. Với sự độc đáo về mặt kiến trúc, Bửu Phong đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1994.
| Ni trưởng Huệ hương, trụ trì chùa Bửu Phong hiện nay. | Trải qua 400 năm phát triển, với nhiều đổi thay nên trong chùa hiện chỉ còn một số cổ vật có giá trị như bức tượng Phật A Di Đà làm bằng gỗ mít, có tuổi thọ 400 năm đặt tại khu chính điện; toàn bộ cột gỗ lớn trong chùa là gỗ cam xe từ những ngày đầu dựng chùa; một đầu phướng cổ được chạm trổ tinh vi hình 6 con rồng miệng ngậm trái châu; một cặp mai vàng điêu khắc công phu bằng gỗ (được sơn son thếp vàng) từ thời Chúa Nguyễn và một số cột đá trước tiền sảnh khắc liễn, chạm trổ rồng, phượng; một số câu đối, hoành phi miêu tả về vị trí linh thiêng của chùa.Trụ trì Huệ Hương cho biết, căn cứ vào hàng chữ Hán khắc trên liễn gỗ ở cột gian giữa giảng đường thì chùa Bửu Phong được xây dựng từ năm 1616 và đại trùng tu vào năm Minh Mạng thứ IX (1829).Tương truyền, trước khi có cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Vạn (con gái Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) và vua Chân Lạp Cherry thứ II, một nhà sư đã theo bước chân bang giao giữa hai nước Việt – Lạp đến vùng núi non cẩm tú Bình Điện (tên gọi núi Bửu Phong) dựng am tranh, tu học đạo Phật. Từ ngày ra đời đến nay, Bửu Phong đã trải qua 17 đời trụ trì. Vào tổ thứ VIII, Hòa thượng hiệu Pháp truyền, tự Chơn Ý, thuộc đời thứ 39 dòng Tào Động trụ trì chùa là Quốc sư triều đình Huế tài đức vẹn toàn đã đã cảm hóa Phật tử khắp nơi. Với uy danh của Tổ Chơn Ý, giai đoạn này chùa Bửu Phong được trùng tu rất trang nghiêm mỹ lệ, triều đình Huế mỗi tháng còn thỉnh Tổ lai kinh thuyết giáo khắp nơi.Hiện chùa Bửu Phong do Ni trưởng thượng Huệ hạ Hương trụ trì. Trong gần 400 năm, với nỗ lực phát huy chánh pháp, qua mỗi đời kế thừa tổ nghiệp, ngôi Cổ tự đã được nhiều lần trùng tu, phát triển tiêu biểu như vào các năm 1760, 1829, 1898, 1964… Đặc biệt, từ năm 1972 đến nay, phát huy truyền thống, Ni trưởng Huệ hương đã tiếp tục trùng tu và xây dựng thêm nơi thờ Xá lợi Đức Phật, tu bổ tượng Phật A Di Đà, tam thế Phật đài, giảng đường, hậu tổ, nhà tăng… Được biết, Ni sư còn dự kiến xây thêm trung tâm thiền học, mở lớp đào tạo ni trẻ kế thừa.Ngày nay, chùa Bửu Phong không chỉ truyền bá Phật pháp mà còn góp phần lưu giữ nét đặc sắc về kiến trúc đình chùa trong văn hóa dân tộc; đồng thời là địa chỉ tham quan, du ngoạn, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân trong tỉnh. Đặc biệt, trong những năm qua, phát huy chánh pháp giáo lý từ bi, bác ái của đạo Phật, các tăng ni, phật tử trong chùa đã tích cực tham gia nhiều phong trào từ thiện – xã hội như: cứu trợ nạn nhân bị thiên tai lũ lụt trong và ngoài tỉnh, tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo trong những ngày lễ, tết; khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo; thăm hỏi, tặng quà bệnh nhân nghèo… |
|