Quá lo lắng về tình trạng cân nặng của mình là một trong những lí do khiến nhiều teens mắc chứng chán ăn và dần dần tự hủy hoại bản thân sức khỏe của mình.
Những lí do đáng buồnĐa số những teens mắc chứng chán ăn đều không bao giờ tự nhận là mình ăn rất ít, cơ thể mình rất gầy gò mà luôn cho rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường như mọi người. Điều đó khiến cho mọi người rất khó biết rằng các bạn đang bị chán ăn.
Một trong những lí do khiến cho nhiều bạn, đặc biệt là nữ bị mắc chứng này chính là do sự quá lo lắng về cân nặng của mình. Quá trình phát triển nhanh của tuổi dậy thì mà nhiều bạn chưa hiểu hết khiến các bạn đều bị bất ngờ với sự thay đổi của cơ thể, đặc biệt là cân nặng.
Ám ảnh về một thân hình mảnh dẻ như những ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay chỉ đơn giản là một bạn gái xinh, nổi bật trong trường khiến cho một số bạn nữ cố gắng hết sức để giảm cân. Dần dần, điều đó khiến cho các bạn mắc chứng chán ăn.
Tuy nhiên, một phần nguyên nhân sâu xa nữa của việc này chính sự trêu chọc thái quá của bạn bè trên lớp với một bạn có thân hình hơi mập mạp. Lan Hương (HK) chia sẻ: “Lớp em có một bạn khá béo. Bạn ấy bị mọi người trêu suốt. Em thấy rất tội nghiệp cho bạn ấy nhưng nếu lên tiếng bênh bạn ấy thì có lẽ bạn ấy còn bị trêu ghê hơn. Vì thế mỗi lần đi cân em đều thấy rất lo lắng. Em rất sợ tăng cân. Em sợ mình cũng sẽ béo và bị mọi người trêu chọc. Em hay nhịn ăn sáng, thỉnh thoảng khi mẹ không có nhà thì em nhịn cả ăn tối. Lâu dần em ăn không còn ngon miệng và chẳng muốn ăn nữa”.
Sự chăm sóc, quan tâm thái quá của nhiều bậc phụ huynh cũng là một trong những lí do dẫn đến tình trạng này ở một số bạn. Bất kể làm một điều gì, đi đâu, chơi với ai, tối phải đi ngủ lúc mấy giờ..vv.. các bạn cũng bị bố mẹ áp đặt và bắt buộc phải làm theo, không được phép nói mình thích hay không. Điều đó khiến cho teen thấy mình bị mất kiểm soát hoàn toàn, chỉ như con rối và nhịn ăn, bỏ ăn là một trong những cách các bạn ấy lựa chọn để lấy lại sự tự chủ, chống lại việc phong tỏa của bố mẹ. Tâm lí ức chế với bố mẹ khiến cho nhiều bạn khi ăn uống cùng gia đình cũng không thấy ngon miệng và không muốn ăn. Tình trạng được các bác sĩ phát hiện ở khá nhiều teenboy khi mắc chứng chán ăn.
Một trong những nguyên nhân khác của tình trạng này là do áp lực của việc học tập, kỳ vọng quá lớn của cha mẹ khiến cho teens bị rơi vào tình trạng stress liên miên.
Vinh (17 tuổi) phải xin nghỉ ở học kỳ đầu tiên của năm lớp 12 vì lý do sức khỏe. Từ một cô bé nặng 44 kg, Vinh chỉ còn 35 kg. Đang là một học sinh khá giỏi, tính tình cởi mở, thích đùa nghịch, bạn ấy trở thành người thu mình lại trước bạn bè và gia đình, học hành giảm sút và bắt đầu chán ăn. Sự kì vọng thái quá của bố mẹ vào thành tích học tập khiến Vinh lúc nào cũng phải gồng mình lên để đáp ứng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chán ăn.
Hậu quả đáng sợBệnh chán ăn nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời có thể để lại những hậu quả, di chứng nặng nề. Bệnh có thể gây biến chứng như tử vong đột ngột do cơn nhịp tim nhanh thất, vỡ thực quản hoặc dạ dày. Về tiên lượng, 20% số ca điều trị thất bại, 6% tử vong do suy dinh dưỡng hoặc tự tử. Một số trường hợp có biểu hiện cuồng ăn sau giai đoạn chán ăn khiến cho 5% trở nên béo phì. 30% mắc chứng này mãn tính khiến cho người bệnh luôn phải sống với tình trạng thiếu cân, gầy yếu…
Ngoài ra chứng chán ăn dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức của cơ thể thường xuyên, gây ảnh hưởng nặng nề đến cơ quan tiêu hóa. Và sự trầm uất, chán nản, ngại giao tiếp, co mình với mọi người. Điều đó tạo thành cái vòng luẩn quẩn: kiệt sức, chán nản và chán nản càng làm cho cơ thể kiệt sức hơn, tác động làm cho cơ quan tiêu hóa bị tổn thương nhiều hơn.
Như trường hợp của Vinh phải nghỉ học trong một thời gian dài để chữa trị không chỉ thể lực mà cả tâm lí bị tổn thương nặng nề.
Chứng chán ăn còn khiến cho cơ thể dễ bị mắc bệnh do hệ miễn dịch bị suy yếu. Xương dễ bị tổn thương, rạn nứt, loãng… do thiếu canxi. Tóc bị rụng nhiều.
Đặc biệt đối với teens chứng chán ăn làm chậm quá trình dậy thì. Thậm chí với nhiều trường hợp cơ quan sinh dục còn không phát triển.
Phát hiện chứng chán ănChứng chán ăn cần phải được điều trị và phát hiện kịp thời vì thế khi teens cần phải lưu ý khi bạn của mình có những dấu hiệu như:
- Cơ thể gầy đi trông thấy, sụt cân rõ ràng nhưng không công nhận mình gầy, cho rằng như vậy là hoàn
toàn bình thường. Luôn lo lắng về tình trạng cân nặng, cho rằng mình béo.
- Sợ mùi thức ăn, ăn vào dễ nôn ra.
- Tránh những bữa ăn hàng ngày, bữa tiệc, ăn uống với bạn bè.
- Luôn ủ ê, buồn chán, không muốn ăn ngay cả những món yêu thích.
-Cơ thể suy kiệt mệt mỏi, không có hứng thú học tập, làm việc, vui chơi.
Khi phát hiện bạn mình rơi vào tình trạng chán ăn, teens cần phải nói chuyện, bày tỏ sự lo lắng của mình trước tình trạng này. Hãy giải thích những hậu quả đáng sợ mà việc nhịn ăn, chán ăn có thể thể đem lại cho bạn mình.
Teens không được phép im lặng khi phát hiện tình trạng này, cần phải báo ngay cho người lớn, bố mẹ của bạn mình tình trạng này. Vì nếu để tình trạng này kéo dài sẽ rất nguy hiểm làm suy kiệt thể trạng.
Khi bị mắc chứng chán ăn cần phải có sự điều trị kịp thời của các bác sĩ để khôi phục thể trạng, đặc biệt còn cần có sự can thiệp của bác sĩ tâm lí.
Một vài phương pháp thư giãn, xoa bóp cơ bụng trước khi ăn cũng giúp tạo cảm giác thèm ăn, giúp tiêu hóa tốt hơn.