TP HCM sẽ là 1 thành phố mở với nhiều đô
thị vệ tinh. 14 cây cầu dành cho đường bộ và sắt sẽ được bắc qua sông
Sài Gòn, cùng với 2 đường hầm vượt sông qua Thủ Thiêm cho tàu điện ngầm
và đường bộ. Cũng như 30 năm về trước, TP HCM muốn trở lại danh tiếng
"Hòn ngọc Viễn Đông".
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm
2020 và sau thời điểm này của TP HCM, vừa được Thủ tướng phê duyệt. Theo
đó, trong tương lai, thành phố mang tên Bác sẽ trở thành đô thị trung
tâm cấp quốc gia và kỳ vọng là trung tâm thương mại - dịch vụ lớn ở khu
vực Đông Nam Á.
Dự kiến trong 15 năm nữa, thành phố sẽ có những con
đường cao tốc có năng lực thông xe lớn như tuyến TP HCM đi Vũng Tàu, TP
HCM - Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt... Các đường vành đai cấp 1 cũng
sẽ được cải tạo thành đường đô thị cấp 1; đường vành đai 3 xây dựng theo
các điểm khống chế; đường vành đai 4 biến thành đoạn nối các đô thị vệ
tinh của thành phố theo hướng Đông và Bắc.
|
TP HCM mở về hướng Đông bắc, góc nhìn từ tầng thứ 26 tòa nhà The Manor sang cầu Sài Gòn. Ảnh: P.A. |
Để đáp ứng các trục giao thông có lưu lượng lớn,
theo quy hoạch, thành phố sẽ tập trung xây dựng đường trên cao, tàu điện
ngầm và hệ thống đường sắt. Có 4 tuyến đường trên cao liên thông với
nhau, sẽ được xây dựng trong những năm tới, cùng với hệ thống tàu điện
ngầm gồm 6 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của
thành phố.
Nhiều tuyến đường sắt mới được xây dựng như một
phương án chia bớt ùn tắc giao thông ra vào thành phố. Trong đó có tuyến
đường sắt mới từ TP HCM mở lên hướng Tây Bắc nối thành phố với Lộc
Ninh, Campuchia nương theo đường Xuyên Á; một hệ thống đường sắt vành
đai phía Tây từ ga An Bình đến Mỹ Tho, Cần Thơ cũng sẽ được xây dựng.
Về phía Đông, trong tương lai, Khu đô thị Cảng Hiệp
Phước, Cần Giờ, Cát Lái sẽ phát triển mạnh nên dự kiến, sẽ có một tuyến
chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia tới từng khu vực này. Trong nội
đô sẽ quy hoạch các tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm cho chạy tàu
ngoại ô và 2 tuyến đường sắt nhẹ khác.
Đối với mạng giao thông đường thủy và hệ thống cảng
biển, cảng sông, TP HCM chủ trương cải tạo lại các luồng sông cũ như
Lòng Tàu, Soài Rạp, nâng cấp các luồng tàu sông còn lại. Thành phố cũng
xây mới cảng sông Nhơn Đức nhằm đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa từ
Đồng bằng sông Cửu Long về qua cụm cảng biển Hiệp Phước.
Lượng khách qua lại cảng sân bay Tân Sơn Nhất dự
kiến cũng đạt hơn 10 triệu lượt khách/năm. Đến năm 2020, Cảng hàng không
quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu
vực và thế giới.
Phan AnhViệt Báo (Theo_VnExpress.net)