Có những căn nhà dài tới 100m cơ đấy các bạn ạ.
Nước ta với 54 dân tộc anh em, dĩ nhiên mỗi dân tộc có một nét đặc trưng văn hóa riêng. Đối với người Ê Đê, nhà dài là một nét văn hóa tiêu biểu hơn hết.
Những ngôi nhà sàn được làm bằng vật liệu thô sơ như: gỗ, tre, nứa, tranh… tồn tại vững chắc cùng với thời gian bên cạnh những căn nhà bê tông kiên cố. Đó là điều rất dễ nhận biết khi các bạn đến với các làng, bản của dân tộc Ê Đê.
- Nhà dài của người Ê Đê có kết cấu kiểu nhà sàn thấp, dài thường từ 15m đến hơn 100m tùy theo gia đình nhiều người hay ít người.
- Nó là ngôi nhà lớn của nhiều thế hệ sống chung như một đại gia đình và là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ của người Ê Đê.
- Người Ê Đê không có nhà Rông hay nhà Gươl (*) như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, ngôi nhà chung của buôn cũng là một ngôi nhà dài truyền thống nhưng to đẹp và hoành tráng hơn.
Nhà dài đặc trưng của văn hóa đồng bào dân tộc Ê Đê.
Những ngôi nhà độc đáo ấy được gọi là nhà dài, một phong tục tập quán thú vị và còn là nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê.
Người Ê Đê có truyền thống dựng nhà theo hướng Bắc - Nam và buôn làng Ê Đê truyền thống được bố trí theo hướng Đông - Tây. Vật liệu chủ yếu dùng để dựng nhà là gỗ, tre, nứa, tranh...
Có những huyền thoại về nét độc đáo này của người Ê Đê như: “nhà dài tựa tiếng chiêng ngân bởi vì đứng ở đầu nhà đánh chiêng thì cuối nhà chỉ còn nghe rất nhỏ, ra khỏi là mất luôn, không còn nghe thấy gì nữa”.
Ngoại cảnh: nhà sàn mô tả được đặc điểm, tính chất và công dụng của hai cầu thang truyền thống (đực và cái); cửa trước và cửa sau, sân sàn trước và sân sàn sau. Cầu thang nhà người Ê Đê luôn được đẽo bằng tay và được trang trí bằng hình hai nhũ hoa (thể hiện tín ngưỡng phồn thực của người Ê Đê) và hình trăng khuyết. Ngoài ra, mỗi đầu nhà có một sân sàn: sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang.
Cầu thang nhà dài với những hoa văn được đẽo bằng tay rất độc đáo.
Phần nội thất được chia làm hai phần chính như sau:
+ Phần Gak Ok: được xem như phòng khách và là khu vực dùng cho mọi sinh hoạt chung của gia đình và dòng họ như hội họp, cúng điếu, đánh cồng chiêng.
Có 3 cặp cột chính dùng sắp xếp vị trí của các vật dụng như: Cột chiêng, cột trống tương đương với vị trí ghế dài (Kpan), trống cái. Cột khách, cột chủ tương đương với vị trí của bếp khách.
Vách và sàn nhà được phên bằng nứa đập nát; mái lợp cỏ tranh rất dày, trên 20cm, thường chỉ làm một lần và sử dụng vĩnh viễn. Đỉnh mái cách sàn nhà chừng 4 – 5 m. Khi làm nhà mới, người Ê Đê không bao giờ dùng lại gỗ nhà cũ mà thường đốt bỏ, tuy nhiên ngày nay phong tục này chỉ còn tồn tại ở các vùng sâu gần rừng nơi còn dễ kiếm gỗ.
Toàn bộ các cột, kèo thường đẽo gọt, trang trí bằng hình ảnh các con vật như voi, ba ba, kì đà... tương tự cầu thang, các vật trang trí này luôn được đẽo bằng tay theo cách thức truyền thống.
+ Phần Adú: Là chỗ sinh hoạt (ngủ) của vợ chồng chủ nhà cùng các thành viên trong gia đình. Không gian và nội thất trong gia đình cũng được phân chia theo hướng Đông và Tây.
Hình thù các con vật được chạm trổ trong căn nhà của người Ê Đê.
Phía Đông: chỗ ngủ, được ngăn đơn giản bằng những thành tre làm nhiều ngăn. Ngăn đầu tiên là ngăn của vợ chồng chủ nhà, tiếp theo là ngăn người con gái chưa lấy chồng, sau đó đến các ngăn của vợ chồng con gái đã lấy chồng, cuối cùng là ngăn dành cho khách.
Phía Tây: là bếp lửa sinh hoạt cho cả gia đình (trước phòng chủ nhà), bếp riêng của các cặp vợ chồng (đặt trước mỗi cửa phòng) và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình.
Kho lúa của gia đình để ở sau cùng, được tách rời khỏi không gian nhà trước nhưng nhỏ hơn và có hình dáng như hình vuông.
Các đà ngang, đòn dông luôn luôn bám nguyên tắc được đẽo hoàn toàn bằng tay, từ những cây gỗ nguyên vẹn dài có thể tới trên chục mét. Đặc biệt, đếm chúng, ta có thể biết nhà đã có thêm bao nhiêu lần được nối dài. Những lần nối dài thường là khi trong nhà có một thành viên nữ xây dựng gia thất vì người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người con trai khi lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì.
Nhà dài với những giá trị, sắc thái mang đậm ý nghĩa nhân văn của văn hóa truyền thống đã là niềm tự hào của dân tộc Ê Đê. Tín ngưỡng và chế độ mẫu hệ của đồng bào dân tộc Ê Đê qua nhà dài đã tồn tại tốt đẹp cùng với thời gian.
Trên tất cả, nhà dài là nét đẹp văn hóa rất tiêu biểu của các dân tộc ít người tại Việt Nam. Nó đã góp phần quan trọng làm đa dạng hơn cho truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa người Việt.
(*): Nhà Gươl là loại nhà truyền thống của một số dân tộc ở Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam, như người Cơ Tu. Nhà Gươl của người Cơ Tu gần giống nhà sàn của người Cơtu nhưng được chạm khắc công phu hơn. Phía trên hai đầu nhà Gươl thường được chạm, khắc hình gà trống hoặc hai đầu trâu nhô sừng lên đối diện. Bên trong được chạm các hình ảnh rất độc đáo, mang những nét văn hóa riêng của người Cơ Tu, như: hình ảnh các chàng trai, thiếu nữ Cơ Tu múa cồng chiêng, săn bắt thú rừng... (nguồn: wikiapedia).