(Phunutoday) - Cho đến nay giới khoa
học vẫn chưa lý giải được về những bí ẩn đã và đang diễn ra ở ngôi làng
được mệnh danh là “làng sinh đôi” ở ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện
Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Có những câu chuyện huyền bí hoặc được thêu
dệt xung quanh những cặp song sinh giống nhau đến kỳ lạ; có nhiều người
truyền miệng rằng người cư ngụ ở làng được thần báo mộng, được thần linh
ưu ái; nhưng cũng có dư luận cho rằng, đó là do nguồn nước ở trong
làng. Người viết đã cất công tìm hiểu về những gì đang diễn ra tại đây,
mà chính giới khoa học đang khẳng định “có một không hai” ở Việt Nam.Chuyện lạ ở ngôi làng “sinh đôi”“Tôi là người dân địa phương sinh ra và lớn lên ở đây sắp hết cả cuộc
đời vậy mà nhiều khi đến những gia đình đẻ sinh đôi, tôi còn không thể
nào nhận ra được đứa nào là anh, đứa nào là em nữa. Chúng giống nhau như
đúc”– ông Trần Văn Danh – Trưởng ấp Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc nói như thế
khi chúng tôi hỏi về những gì đã xảy ra hàng chục năm nay ở cái ngôi
làng kỳ lạ này. Đó là một ngôi làng chẳng khác gì so với các làng quê
khác ở vùng Nam Bộ ngày nay. Nó cách trung tâm TP. HCM khoảng hơn 60 km,
nằm trên tuyến quốc lộ 1A xuyên suốt Bắc Nam.
Ông Danh kể về quá khứ của các làng này mà cho đến bây giờ nó vẫn như
mới và có thể vẫn là tương lai, vì nguyên nhân chính là bí ẩn về hiện
tượng sinh đôi ở làng, được người dân gọi là “làng sinh đôi” cho đến
nay, vẫn chưa lý giải được. Theo ông hiện tượng sinh đôi của làng xuất
hiện cách đây khoảng gần 40 năm.
Ban đầu chỉ có vài cặp sinh đôi, nhưng hiện tượng này bắt đầu xuất hiện
nhiều vào những năm 1990 và đã trở thành hiện tượng truyền thông của một
giai đoạn vào những năm 2003 – 2004. Cả xã Hưng Lộc hiện có 100 cặp
song sinh nhưng có tới trên 70 cặp song sinh thuộc ấp Hưng Hiệp. Hiện
nay, làng sinh đôi không còn nhộn nhip nhiều như năm trước nhưng vẫn còn
rất nhiều người từ xa tìm đến. Họ tới đây vì sự hiếu kì muốn biết về
làng “sinh đôi”, nhưng cũng có không ít người hiếm muộn tìm đến để… xin
con cái.
Cũng theo lời ông Danh, lúc đầu cả ấp có vài cặp sinh đôi nên không ai
để ý. Đến khi hầu hết phụ sản nào cũng sinh đôi, thậm chí là sinh ba nên
chính quyền ấp mới bắt đầu thống kê và có con số giật mình. Từ đó ấp
Hưng Hiệp được người dân địa phương đặt cho tên “làng sinh đôi”. Cặp
song sinh nhiều tuổi nhất hiện nay là bà Trương Hoàng Yến và bà Trương
Bạch Mai đã ngoài lục tuần, cặp ít tuổi nhất mới 5 tuổi.
Chính vợ ông Danh là bà Nguyễn Thị Liên cũng kể lại câu chuyện xảy ra
trong chính gia đình mình: “Ông ấy là Trưởng tộc của dòng họ mà tôi sinh
một mạch 4 đứa con gái nên các cụ phía đằng nội không vui. Tuy nhiên vợ
chồng tôi không dám sinh nữa vì sợ lại là gái nữa thì khổ. Một hôm tôi
ngủ và nằm mơ thấy có hai đứa con trai giống hệt nhau chơi đùa. Sau giấc
mơ vài tháng thì tôi có thai rồi sinh được 2 đứa con trai bụ bẫm, cả
dòng họ đều vui mừng…”. Gia đình ông Danh đã đặt tên cho hai “cục vàng”
là Trần Duy Khang và Trần An Khang. Hiện 2 cháu bé này cũng đã học đến
lớp 8
Trong quá trình đi tìm hiều về làng sinh đôi, chúng tôi được nghe nhiều
giai thoại thú vị. Gia đình anh Trần Văn Thành là trường hợp duy nhất
sinh ba, đều là con trai ở đây. Hai con trai Trần Phúc Tam và Trần Lộc
Thiên nay đã học lớp 8, còn con út đã mất do bệnh nặng.
|
Ông Trưởng ấp Trần Văn Danh và 2 đứa con trai song sinh Trần An Khang – Trần Duy Khang |
Những bà mẹ từng sinh đôi xác nhận rằng, trong thời kỳ mang thai họ đều
có chung một điểm kỳ lạ không thể giải thích nổi là họ nằm mơ thấy có 2
đứa trẻ giống hệt nhau vui đùa trong sân nhà.
Rồi chẳng bao lâu sau đó họ đón chào đúng 2 thành viên mới trong gia
đình và đúng như giấc mơ. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 1996, một đêm
bà nằm mơ thấy mang thai 2 con trai. Vài đêm sau bà lại mơ giống giấc
mơ đêm trước, rồi bà có thai và hạ sinh hai con trai cùng lúc. Chúng
khỏe mạnh, xinh xắn khiến cả nhà mừng vui.
Có một điều rất thú vị là trong cùng một ấp nhưng hiện tượng song sinh
chủ yếu xuất hiện ở các hộ gia đình cư trú bên phía tay phải quốc lộ 1A
(theo hướng từ TP. HCM về Đồng Nai), còn nửa ấp bên kia hầu như rất
hiếm.
Các cặp song sinh, dù cùng giới hay khác giới, cũng đều khỏe mạnh, dễ
nuôi, chăm ngoan, học giỏi và rất yêu thương nhau. Nổi tiếng là nơi có
nhiều người sinh đôi nhưng một thực trạng ở đây cũng đáng ghi nhận là
cũng có những cặp vợ chồng sinh sống với nhau hàng chục năm vẫn không có
con.
Trong đó có trường hợp mà người dân kể cho chúng tôi nghe là có cặp vợ
chồng sống mấy năm không con cái. Sau này vì lục đục nên chia tay nhau,
rồi cô vợ có chồng khác vẫn có con cái bình thường; còn người chồng cũng
tiến thêm bước nữa nhưng rời làng đi xa nên họ cũng không biết đường
con cái của người này như thế nào?
Những đồn đại mãi là điều bí ẩnKhi tìm hiểu về chuyện sinh đôi, chúng tôi được nghe nhiều cụ già cao
tuổi kể lại và họ cho rằng, hiện tượng sinh đôi ở ấp Hưng Hiệp này là do
mạch nước giếng của làng khá đặc biệt, có vị ngọt, mát lạ thường. Những
người dân trong xã đều cho biết họ sinh hoạt hàng ngày rất bình thường,
không ăn trái cây cũng như bất kỳ loại loại rau gì lạ nào. Chính vì vậy
trong thời gian gần đây làng sinh đôi thu hút rất đông người hiếm muộn ở
các nơi như: Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Nha Trang… xin nước
giếng về uống với hy vọng sinh con.
“Họ mang theo cả ôtô rồi dùng can chứa nước trở về dùng. Có người ở xa
và không có điều kiện đi lại thì họ xin ở trọ và sống ngay ở trong cái
làng để mong muốn có con”. Những người tới đây xin nước đều được người
dân địa phương cho nước miễn phí. Vì họ quan điểm rằng nước là lộc của
ông trời cho nên không thể tính chuyện mua bán tiền bạc sẽ mất đi sự
linh thiêng” – Trưởng ấp Hưng Hiệp xác nhận.
|
Những đứa trẻ giống nhau như đúc ở làng sinh đôi mà chính người trong làng cũng khó mà phân biệt được. |
Ông Danh cung cấp cho chung tôi về 3 trường hợp đến làng xin nước và đã
sinh được con, trong số đó có 1 trường hợp ở TP. HCM là sinh đôi, còn 2
trường hợp khác ở TP. Biên Hòa (cũng thuộc tỉnh Đồng Nai) và Tây Ninh
thì chỉ sinh một. Để minh chứng điều mình nói là “nói có sách, mách có
chứng” ông Danh liền đưa cho chúng tôi một số điện thoại của người phụ
nữ ở TP. HCM.
Cuộc trò chuyện qua điện thoại, người phụ nữ giới thiệu tên Lan, nhà ở
phường Tân Thuận Đông (quận 7, TP. HCM). Bà lập gia đình vào năm 1993,
hai vợ chồng sức khỏe đều bình thường nhưng sau gần 5 năm kết hôn vợ
chồng vẫn không có con. Hai người đã khám bác sĩ, dùng mọi biện pháp
nhưng vẫn không có kết quả.
Lo lắng, chồng đưa chị đi chữa nhiều nơi, hễ nghe đâu có người chữa vô
sinh là ông bà tìm đến. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua những hy vọng của
đôi vợ chồng trẻ này ngày một tắt dần. Sau đó, nghe có người nói đến
“làng sinh đôi” ở Đồng Nai xin nước uống thử biết đâu lại có con. Hết
cách, bà Lan xuống dưới đấy xin nước về dùng.
Thời gian đó vào tháng 4/2003, khi xin nước về bà Lan uống ròng rã
trong vòng vài tháng trời. Đến tháng 10/2003 thì bà có thai và sinh được
hai cậu con trai rất bụ bẫm và kháu khỉnh. Gần 10 năm trời và giờ giấc
mơ đó mới thành sự thật. Không biết có phải là do việc chạy chữa trước
kia của ông bà đã có kết quả hay là do nguồn nước đặc biệt. Qua giọng
nói của bà Lan, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc to lớn mà chị có
được đến như thế nào. Và không ít trường hợp sau khi xin nước về uống có
con, đã tìm đến tận nhà ông Trưởng ấp để tặng quà, tỏ lòng tri ân.
Chúng tôi tìm đến gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ly. Chị Ly sinh đôi hai bé
gái, Cẩm Vân – Cẩm Vy, nay đều học lớp 7. Theo chị Vy, chuyện sinh đôi
cũng là bình thường, nhưng nó xảy ra quá nhiều ở trong ấp này nên gia
đình cũng cho rằng khả năng bắt nguồn từ nguồn nước là nguyên nhân. Còn
chính xác do đâu thì không ai biết được.
Trao đổi với ông Ngô Thành Nhân - Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc xung quanh
về “chuyện lạ” này - ông Nhân cho biết: hiện tượng song sinh ở ấp Hưng
Hiệp cho đến nay vẫn đang được nghiên cứu. Mấy năm trước, có một đoàn
bác sỹ Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) đã về lấy mẫu nước xét nghiệm nhưng
cũng không thấy kết luận gì nên tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán, chưa có cơ
sở chứng minh.“Nhiều người phỏng đoán hiện tượng sinh đôi của làng là
do nguồn nước.
Vì thế nên có một giai đoạn thời gian trước đây, và đến gận bây giờ, vẫn
còn những người hiếm muộn tại các vùng miền xa xôi khác cũng tìm đến
làng xin nước uống để mong sinh con nối dõi”, vị Chủ tịch xã cho biết
thêm.
Theo ông Nhân, giải thích hiện tượng này đành phải “để dành” cho các nhà
khoa học. Song, dù thế nào cũng phải thừa nhận rằng, người dân “làng
sinh đôi” vẫn đang có cuộc sống khá yên bình, đầm ấm. Họ quanh năm cần
cù với nghề làm rẫy, buôn bán nhỏ và không tin lắm vào sự huyền bí mà
chỉ biết tập trung chăm sóc thương yêu các cô bé, cậu bé song sinh hàng
ngày vẫn ngoan ngoan, khỏe mạnh và đáng yêu.
Được biết trong giai đoạn năm 2004, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc
Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM) đã tổ chức đưa các
đoàn bác sĩ chuyên khoa về tìm hiểu “làng sinh đôi”.
Trao đổi về việc này, bác sĩ Phượng cho biết, khi đoàn khám phụ khoa cho
khoảng 300 - 400 phụ nữ đang mang thai và cả không mang thai ở ấp Hưng
Hiệp nhưng thấy cơ địa của họ không có gì lạ so với những người bình
thường. Còn thông tin về nguồn nước “bí ẩn” ở làng sinh đôi có thể chữa
được bệnh hiếm muộn thì phía bệnh viện đã xuống tận nơi để kiểm tra và
lấy mẫu nước ở khu vực có nhiều cặp song sinh về xét nghiệm. Nhưng các
bác sĩ vẫn chưa phát hiện được những điều gì bất thường trong nguồn nước
này.
“Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi cũng chỉ mới xét nghiệm một vài chỉ tiêu
trong nước nên cũng chưa thể bác bỏ giả thuyết này. Nếu muốn làm rõ
nguyên nhân vì sao có nhiều người song sinh, cần phải tiến hành lấy
nhiều mẫu nước ở ấp Hưng Hiệp để xét nghiệm lại với nhiều chỉ tiêu hơn.
Sau đó có kết quả sẽ so sánh các mẫu nước giếng ở các độ sâu khác nhau.
Ngoài ra, cũng cần điều tra về nguồn thức ăn xem có mối liên hệ nào với
tình trạng song sinh hay không…”, bà Phượng (người có uy tín trong giới y
tế) khẳng định
Thạc sỹ Hồ Mạnh Tường – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu di truyền về sức
khỏe con người (Research center for genetics and reproductive health -
CGRH, trực thuộc Khoa y Đại học Quốc gia TP. HCM) xác nhận, trước đây
ông cũng là 1 thành viên trong đoàn nghiên cứu nói trên, đoàn cũng đã
tìm hiểu về nguồn nước tại “làng sinh đôi” nhưng nó cũng không có gì
khác so với nguồn nước ở những nơi khác.
“Bây giờ cũng không thể có ý kiến cá nhân, chủ quan được, phải lý giải
dựa trên cơ sở khoa học. Cho đến nay những gì diễn ra ở làng sinh đôi
vẫn chưa được làm rõ nguyên nhân”, ông Tường cho biết như thế.
Được biết, tại Việt Nam từ trước đến nay, một làng chài ở xã Nghi Thủy,
huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An và một địa danh là thôn 6, xã Nguyễn Huệ,
huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cũng có hiện tượng sinh đôi. Nhưng
theo ghi nhận của giới nghiên cứu y khoa trong nước thì những nơi này
chỉ có 10 – 20 cặp song sinh, chứ không trở thành… hiện tượng như ở ấp
Hưng Hiệp, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Và đến nay
chuyện lạ này mãi là bí ẩn, chưa thể giải mã được.
Vũ Thái Bình