Cô giáo Sương đưa cho Thoa cả chùm chìa khóa và dặn:
- Tất cả các phòng đều có chìa trong này, em xem cái nào xài
được thì dùng, cái nào không được thì để riêng ra. Có những chìa từ rất
lâu, đổi ổ khóa mấy lần rồi mà vẫn chưa bỏ.
Thoa nhìn xâu chìa khóa mà ngao ngán:
- Em chỉ dùng mỗi một cái cho phòng của em thôi. Nếu cần thêm
thì cũng là chìa mở cổng, mở cửa trước, sau. Chớ lấy chi quá nhiều
vậy...
Nhưng cô Sương vẫn đưa:
- Thì em cứ giữ. Bởi nhà này bây giờ trở đi thì chỉ có mình em thôi. Chỉ có điều, chị hỏi thật em, ở một mình có sợ không?
Thoa cười:
- Từ nào đến giờ ở đâu em cũng chỉ một mình, quen rồi. Vả lại chị ở đây đã bao đời rồi, có gì đâu mà sợ, phải không?
Chị Sương gật đầu:
- Nhà này tuy rộng và vắng vẻ, nhưng chưa hề xảy ra chuyện gì
bất thường. Vả lại, ban đêm thì ông già Tư Sang sẽ về ngủ canh nhà. Ông
ấy là người tốt. Đêm nào ổng cũng thức tới nửa khuya. Có gì cần, em cứ
bấm chuông trên đầu giường thì ông ấy sẽ có mặt.
- Dạ, cám ơn chị.
Cô Sương soạn xong va ly thì xách đi ngay:
- Chị phải ra xe lửa cho kịp chuyến. Thôi, em ở nhà ráng giữ gìn sức khỏe nghe!
- Dạ, chị Sương đi cũng chịu khó ăn, ngủ, để khi về còn lên được vài ký chớ!
Hai chị em tuy không bà con, nhưng đã dạy chung trường được
vài năm, hiểu tính nết nhau, nên lại càng yêu thương nhau khi về ở chung
ngôi nhà này. Đây là nhà của một người bạn chung của hai hgười, anh ta
thường được hai cô quen gọi là anh Đức, chớ thật ra tên đầy đủ là Thành
Đức, một chủ nhà in kiêm kinh doanh bất động sản có cỡ. Anh ta khá giàu,
mua nhiều nhà đất để dành bán lấy lãi. Ngôi nhà này anh ta mua đã khá
lâu nhưng chưa sửa sang lại, bởi anh ta còn có nhiều kế hoạch cấp thiết
hơn. Sở dĩ anh cho hai chị em ở mà không lấy tiền thuê nhà là có lý do:
Anh ta bận đi ra nước ngoài gần hai năm mà không có ai trông nhà. Đức
quen với cả Thoa và Sương, bởi hai đứa con của anh ta đều học với hai
cô, một người dạy văn, một người dạy toán. Có lần anh ta nói vui:
- Khi nào con gái tôi về đây ở thì khỏi phải thuê người dạy kèm, đã có sẵn hai cô dạy hai môn cơ bản rồi!
Đứa con gái mười bốn tuổi của Đức học hành khá giỏi, nó lại
mến hai cô Thoa và Sương, nên trước khi đi ra nước ngoài theo mẹ trong
mấy năm, nó còn hứa hẹn:
- Khi trở về thế nào con cũng nhờ hai cô dạy thêm cho!
Về chuyện cô bé Ái Lan này, tuy mới 14 tuổi mà đã khá trưởng
thành trong cách suy nghĩ, đôi lần nó nói riêng với cả Thoa và Sương:
- Tại thấy má bệnh nên con mới theo má ra nước ngoài, chữa bệnh cho má lại vừa học, chớ con muốn ở lại với ba hơn.
Thoa biết phần nào về tình cảnh riêng của vợ chồng Đức. Anh ta
là một doanh nhân thành đạt giàu có, nhưng cuộc sống vợ chồng thì hình
như có nhiều điều âu lo. Bà vợ Ái Liên thì mắc chứng trầm cảm, ít nói,
nên nhiều khi cả tháng không nghe hai vợ chồng nói chuyện với nhau.
- Khóa cổng giùm chị, Thoa ơi!
Nghe chị Sương gọi, Thoa vội ra khóa cổng, rồi trở về phòng
riêng. Từ ngày dọn về đây hơn ba tháng rồi, Thoa ở trên lầu một, bên
cạnh còn ba phòng nữa bỏ không, nhưng chưa bao giờ cô bước qua đó xem.
Kể cả có lần Đức tới thăm và có ý bảo cô: nếu không vừa ý phòng đang ở
thì có thể chuyển sang bất cứ phòng nào trong các phòng còn lại. Nhưng
Thoa cũng chưa có ý đó.
Vừa bước vào phòng, bỗng Thoa nhìn thấy một góc phòng bị thấm
nước, có lẽ do đường thoát nước bị hư, nước thấm ướt rất khó chịu. Cô
bước lại xem cái rương sách để ở góc phòng và giật mình:
- Ẩm hết rồi!
Thoa là người rất kỹ lưỡng trong việc bảo tồn sách vở, nên một
quyển sách bị ẩm là điều tối kỵ của cô. Vừa lấy khăn sạch ra lau vừa
lầm bầm:
- Kiểu này sẽ hư hết sách!
Là cô giáo dạy văn, ham đọc sách, nên đối với Thoa sách còn quý hơn cả tiền bạc.
Lúc đầu tưởng chỉ ẩm ướt có vài cuốn, nhưng sau khi xem lại
Thoa mới giật mình, hầu như cả rương sách đều chịu chung số phận! Thì ra
từ hôm dọn nhà tới nay nó đã bị thấm nước, mà Thoa không để ý.
Đem trải mấy chục cuốn sách ra phơi, chợt Thoa nhớ ra:
- Sao mình không chuyển phòng?
Ý nghĩ đến kịp lúc, hợp thời, nên chỉ sau mấy phút Thoa đã
dùng chìa khóa mở căn phòng bên cạnh. Phòng trống, có sẵn một cái tủ,
một bàn viết, và lại có cả bàn phấn nữa.
- Hình như... của bà vợ ông Đức trước đây?
Điều đó có thể đúng, trước khi bà ta chuyển về ở ngôi nhà mới rồi đi nước ngoài trị bệnh.
Xem thêm căn phòng bên cạnh nữa, nó cũng giống như phòng kia,
tuy nhiên nó không có bàn viết, mà điều đó đối với Thoa nó quan trọng
còn hơn là giường nằm. Cô quyết định chọn căn phòng đầu tiên.
Thay vì chờ đến tối có ông quản gia Tư Sang về giúp, Thoa
quyết định một mình chuyển dần đồ đạc qua. Cũng may, Thoa không có nhiều
đồ, chỉ chiếc rương quần áo, hai rương sách.
Chỉ nửa giờ sau là mọi thứ đâu vào đó. Vừa chuẩn bị đi tắm thì
nhìn chiếc tủ gỗ, Thoa có ý định sẽ dùng nó và cho hết sách vào đó.
Nghĩ là làm, cô mở được cửa tủ một cách dễ dàng, bởi cửa không khóa. Bên
trong còn sót lại một ít sách cũ. Có lẽ là sách không quan trọng nên
khi dọn đi bà chủ đã không mang theo.
Có tất cả sáu quyển sách. Đúng là sách đã quá cũ, có cuốn đã
sờn gáy, có cuốn chỉ còn lại phân nửa với bìa đã rách nát. Duy nhất có
một quyển là còn nguyên, lại không là sách in, mà được viết tay, khá
công phu với chữ viết nắn nót, đẹp như người ta viết thư pháp!
Thoa gọi đấy là một quyển sách, bởi tuy nó viết tay, nhưng
được đóng gáy khá công phu như một quyển sách in, ở bìa vải có dòng chữ
đề tựa mạ vàng: TÌNH HẬN.
Nội cái tựa thôi đã có sức hút để đọc, mà lại còn thêm tên
người viết là Ái Liên nữa, bảo sao Thoa không giữ chặt nó trên tay và
quên cả việc cho sách của mình vào tủ để cất.
"Viết cho vong hồn người đã vĩnh viễn ra đi..."
Dòng đầu tiên của quyển sách đã khiến cho Thoa quên hết công
việc, cô leo lên chiếc nệm vừa trải ra, chưa kịp trải vải phủ, đọc như
sợ ai giật mất!
"Nửa đêm 23 tháng 3 năm 1953..."
"Vẫn là những đêm dài chờ đợi, nhưng sao đêm nay đối với Ái
Liên nó dài như bất tận. Bởi người mình chờ hầu như không bao giờ tới
nữa và hình như có điều gì đó bất an đang rình rập đâu đây!"
"Quân ơi, sao anh lại bỏ em một mình trong thời khắc này! Lúc
mà em cần có anh nhất! Sao anh không tới để giữ lại chút hy vọng mong
manh trong tay. Nó sắp mất rồi, mà em thì yếu đuối quá, bạc nhược quá,
không làm sao giữ được cho chúng mình!"
"Trách anh, nhưng em biết làm sao anh tới được khi mà sáng nay
người ta đã âm thầm đưa anh đi cách xa em đến nửa ngàn dặm! Họ đã quyết
chia lìa chúng ta bằng thủ đoạn vu khống cho anh tội lỗi rồi đưa đi an
trí ở chốn xa xăm đó. Nhưng nó cũng chưa xa bằng chỉ vài giờ nữa thôi,
khi trời sáng thì em của anh sẽ bị đem tới một nơi còn xa hơn nữa. Nơi
đó không có cự ly nhưng mà còn hơn vạn dặm, nó được gọi là HÔN LỄ! Sáng
mai này em sẽ lên xe hoa rồi, Quân ơi! Sao anh không tới để cứu em đi?
Chỉ còn quãng thời gian ngắn nữa thôi, mối tình hơn tám năm của mình sẽ
tan như bọt nước!"
"Anh biết rồi đó, Ái Liên của anh đã thề rằng: một là ta sống
bên nhau, hai là em sẽ biến mất khỏi cõi đời này! Em thề và sẽ giữ lời,
tin em đi Quân. Bởi vậy, nếu mai này anh có trở lại và hay tin em chết
thì cũng đừng than khóc làm gì. Coi như em đã làm tròn lời nguyện ước.
Kiếp này em chỉ có anh là người tình!"
"Vĩnh biệt Quân của em!"
"Đau đớn thay cho em, Quân ơi! Điều em muốn đã không thành! Em
đã lao đầu vào xe đang chạy, muốn một cái chết thật đau, vậy mà em lại
rơi vào một cơn hôn mê sâu, êm ái, nhẹ nhàng... Để rồi khi tỉnh lại em
mới biết rằng mình đã được cứu, bởi chiếc xe mà em lao đầu vào đã kịp
thắng lại, chỉ gây thương tích nhẹ cho em mà thôi. Và dù không có mặt
trong lễ rước dâu, nhưng hôn lễ của em vẫn được cử hành. Người ta đã đưa
em về nhà chồng từ bệnh viện."
"Sáu tháng sau ngày Ái Liên lấy chồng..."
"Người ta đưa về nhà mẹ Quân một cái xác nằm trong quan tài.
Đó là Quân! Nơi giam giữ Quân chỉ gửi về một tờ giấy ghi gọn mấy dòng:
Chết do bệnh sốt rét trong thời gian thụ án!"
"Lúc nhận được tin dữ thì Ái Liên đang mang thai được hơn năm
tháng! Nàng đã ngất đi mấy lượt và từ phút đó cô gái tên Ái Liên không
còn là Ái Liên nữa, mà chỉ còn là một Liên tâm thần..."
° ° °
Đoạn truyện đến đó là kết thúc. Nó là một phần của
quyển sách vốn là một tuyển tập gồm nhiều truyện ngắn, nhưng những phần
tiếp theo cũng là một điệp khúc, gồm nhiều phân đoạn trong một trường
đoạn bi thảm, mà người viết lúc thì tỉnh táo, lúc thì viết như người từ
một cõi nào, viết về mình mà như viết chuyện của ai. Khi gọi người tình
chung của mình mà như gào thét tên ai trong một thế giới ảo nào đó!
Đọc qua mấy truyện đầu tiên, tự dưng nước mắt của Thoa chảy ướt cả gối. Cô buông quyển sách và buột miệng:
- Tội nghiệp chị ấy!
Thì ra cuộc đời của bà chủ nhà này lại bi thảm đến như thế.
Thảo nào trông bà ta như người cõi trên. Thoa nhớ lại ánh mắt xa xôi,
buồn bã của cô bé Ái Lan mỗi khi nhắc tới mẹ. Giờ đây Thoa mới hiểu phần
nào...
Đặt quyển sách trên đầu nằm, Thoa nhắm mắt lại nhốt hình ảnh
người đàn bà đáng thương đó trong đầu. Định nghỉ một lát sẽ dậy đọc
tiếp... Nhưng chẳng hiểu sao, Thoa đã ngủ một cách ngon lành. Ngủ mãi
đến khi trời tối.
- Cô Thoa! Sao cô ngủ mà không bật đèn, tối lắm rồi!
Nghe tiếng của ông già Tư Sang, Thoa giật mình choàng dậy. Cô hỏi vọng ra:
- Mấy giờ rồi chú Tư?
- Đã hơn 8 giờ rồi. Tôi về hồi 7 giờ, thấy cô ngủ ngon quá nên
không kêu. Cô dậy rồi ăn cơm đi, bữa nay tôi nấu luôn cả phần cơm của
cô nữa. Cô cứ ăn tự nhiên.
Thoa bước ra vừa phân trần:
- Tại hồi trưa cháu dọn phòng, chuyển qua bên này để không bị thấm nước, nên mệt quá ngủ quên.
Ông già Tư mau mắn:
- Sao cô không chờ tôi về, tôi giúp cho. Đàn bà con gái làm chi chuyện nặng nhọc đó.
- Dạ, cháu làm được mà. Chú Tư cứ ăn cơm đi, cháu không đói.
- Không được. Thấy cô ngủ quên, biết cô không kịp nấu cơm nên tôi đã nấu luôn, đủ cho mấy người ăn lận!
Ông trở xuống bếp, lát sau bưng lên một mâm cơm với ba món thức ăn đang bốc khói:
- Già này sống một mình lâu nay nên tự nấu được nhiều món ăn,
ngon không thua gì mấy bà đâu nhé! Không tiện từ chối nên Thoa cùng ăn.
Lựa lúc ông già Tư vui chuyện, đột nhiên Thoa hỏi:
- Chú ở trong nhà này lâu lắm rồi phải không, chắc là rành mọi chuyện?
Ông già chừng như từ lâu không được dịp nói chuyện cùng ai, nên tuôn ra một hơi:
- Tôi ở làm cho nhà này từ thời ông chủ đồn điền Thành Công
còn cai quản cơ ngơi này, đến khi cậu chủ Thành Đức nối nghiệp tôi cũng ở
đây. Tính gọn cũng đã hơn hai chục năm rồi.
- Có nghĩa là chú ở từ khi anh Đức chưa có gia đình?
- Ồ chưa! Hồi đó chính tôi đứng ra lo đám cưới cho cậu Đức,
bởi khi ấy ông Thành Công bị bệnh nằm một chỗ, mà bà chủ cũng bị đau
không đi đứng được, kể cả việc tôi còn phải đưa cô dâu từ nhà thương
về...
Kể tới đây, chừng như biết mình quá lời, ông già Tư ngừng
ngang... Biết đây là thời cơ tốt nhất để khai thác chuyện mà mình đang
thắc mắc, nên Thoa đánh bạo hỏi:
- Xin cho cháu hỏi, có phải bà chủ bị bệnh gì đó về tâm thần phải không?
- Phải.
Ông già trả lời vừa thở dài, rồi như được dịp tuôn hết ra những điều lâu nay không biết nói với ai, ông ta tiếp:
- V ợ cậu Đức bị tâm thần từ ngày hôn lễ. Có một người đàn ông
tên Quân chen vào chuyện của họ. Đó là nguyên do dẫn tới bao rắc rối
cho tới bây giờ... Bởi vậy cô thấy đó, con bé Ái Lan lúc nào cũng chỉ
muốn sống bên mẹ nó, mặc dù nó cũng rất thương cha. Đấy, gia đình họ rắc
rối lắm...
Thoa đột ngột hỏi:
- Có phải người đàn ông tên Quân đã chết rồi không?
Nhìn sững Thoa, phải mất mấy giây ông già Tư mới đáp:
- Đúng, cậu ấy chết rồi!
Thoa thở hắt ra:
- Như vậy đúng rồi!
Già Tư ngạc nhiên:
- Cô nói cái gì đúng?
- Dạ không. Cháu nói... cháu nghĩ đúng như lời chú Tư nói.
Thoa không muốn cho ông ta nghi ngờ chuyện mình đọc được quyển
tập ghi chép của bà Ái Liên. Cô ăn xong nhanh bữa cơm khen lấy lòng:
- Chú Tư quả là nấu thức ăn ngon quá!
Tiếp ông già dọn mâm chén bát xuống bếp, Thoa trở lên ngay phòng mình để đọc nốt quyển sách.
Nhưng vừa bật đèn lên, bỗng Thoa kêu lớn:
- Đâu rồi? Quyển sách để ở đầu giường không cánh mà bay mất!
Thoa chạy đi tìm ông già Tư:
- Chú có thấy cuốn sách cháu để trên giường không?
Ông già Tư ngạc nhiên:
- Sách gì? Nãy giờ tôi ngồi ăn cơm với cô mà, có thấy sách vở gì đâu?
Thoa nhớ lúc ông Tư kêu mình dậy, khi bật ngồi lên, tay cô còn chạm quyển sách đúng nơi cô để trước lúc ngủ. Không thể nào...
Ông Tư hỏi lại:
- Mà cô nói quyển sách gì? Trong nhà này chỉ có cô và tôi, mà tôi thì không bao giờ...
Thoa phải nói trớ đi:
- Dạ, chắc cháu nhớ lộn rồi. Có thể cháu còn để ở phòng bên kia...
° ° °
Đợi ông già Tư ra khỏi nhà xong, Thoa tuần tự mở hết
các phòng còn lại. Có một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của Thoa khi cô
mở căn phòng nhỏ trên sân thượng. Trong phòng là cả một kho sách cũ!
Và còn lạ lùng hơn, quyển sách TÌNH HẬN đang nằm trang trọng
trên chiếc bàn viết duy nhất trong phòng. Ngay bên cạnh quyển sách có
bức ảnh chân dung của một người thanh niên, đã khá cũ, ở một góc ảnh đã
có dấu hiệu ố vàng.
Tò mò, Thoa cầm tấm ảnh lên và lật phía sau xem, cô càng giật
mình khi thấy dòng chữ, đúng là nét chữ của Ái Liên: Ngàn thu chỉ còn
lại cái bóng của anh thôi, Quân ơi!
- Thì ra đây là Quân, người tình của Ái Liên.
Thoa suýt buông rơi bức ảnh xuống sàn, khi nghĩ tới việc Quân
đã vào phòng mình để lấy quyển sách! Trong khi anh ta là một... hồn ma!
Đáng lý Thoa đã bỏ chạy khỏi phòng ngay lúc ấy, nhưng chẳng
hiểu sao sau khi phân vân một chút, cô lại bước tới các kệ sách đặt
quanh tường. Toàn là những cuốn sách rất lạ, mà hầu hết là những đề tài
huyền bí bằng Anh văn, Pháp văn. Cầm một vài quyển lên xem thử thì cuốn
nào cũng có hai chữ ký, một của Ái Liên, còn một là của... Quân!
Đúng nơi đây là thư viện riêng của bà chủ Ái Liên, nhưng tại
sao bà ta lại để những quyển sách của mình và người tình ngay trong nhà
này, cả bức ảnh chân dung nữa! Vậy còn ông chủ Đức thì sao?
Hơn nửa giờ say mê với kho sách, Thoa chưa muốn rời, nếu không
bất chợt nhìn thấy dấu vết bùn in hình một cặp đế giày khá lớn trên sàn
nhà. Dấu còn mới, bùn còn ướt!
- Ai vậy? Ông già Tư đâu có đi giày kiểu này?
Nỗi tò mò dậy lên, Thoa không kiềm chế được nên lần theo dấu
giày xem thử nó đi đâu? Ra tới khu vườn rộng phía sau nhà, nơi có một
lối mòn đất đỏ mà cơn mưa liên tục mấy hôm nay đã làm cho sũng nước.
Những dấu giày còn in rõ ràng, đang hướng về phía tường rào cuối vườn.
Đến tận cuối vườn thì mất dấu, nhưng cũng không khó khi sau đó Thoa nhìn
thấy một cánh cửa sắt cũ dẫn ra ngoài. Thì ra...
Thoa giống như một nhà thám hiểm, nhìn trước sau không thấy
ai, cô bước lần theo dấu chân tiếp tục in trên đường đất đỏ. Đó là con
đường duy nhất dẫn về một ngôi nhà thấp thoáng phía chân đồi. Ngoài ngôi
nhà đó hầu như chung quanh không có nhà nào khác.
Cũng có hơi ngại, nhưng đã trót đi rồi Thoa đành phải bước
tiếp. Khoảng năm phút sau thì Thoa đã đặt chân tới trước cửa ngôi nhà.
Hình như bên trong có chút khói bay lên, chứng tỏ là nhà có người. Thoa
hơi yên dạ, cô rụt rè lên tiếng:
- Có ai trong nhà không, cho tôi hỏi thăm...
Tiếng chân bước đều ra, cửa xịch mở, và...
- Chú Tư!
Trước mặt Thoa là ông già Tư quản gia. Ông hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy Thoa, nhưng kịp trấn tĩnh ngay, ông vội hỏi:
- Sao cô biết đây mà tới?
Thoa lúng túng:
- Dạ, cháu... cháu...
- Thôi, đã tới thì vào nhà đi.
Thoa bước theo ông già vào trong và một lần nữa cô giật mình
khựng lại, khi nhìn thấy trước mặt mình thay vì là một phòng khách thì
lại là... một ngôi mộ đá, ốp đá cẩm thạch đen sì!
- Sao... sao...
Bây giờ Thoa không còn bình tĩnh như lúc đầu nữa, phải vịn tay vào cột nhà mới đứng vững. Ông già Tư giải thích:
- Đây là nhà mồ của cậu Quân!
Thoa kêu lên:
- Quân, người yêu của bà Ái Liên?
Ông già gật đầu, rồi im lặng. Thoa nhìn một lượt chung quanh,
không có gì khác ngoài ngôi mộ này. Cô chưa kịp hỏi thêm thì ông Tư đã
nói:
- Cô biết rồi đó, Quân chết sau hôn lễ của cô Ái Liên và cậu
Đức được sáu tháng. Cậu ấy bị người ta ám hại, mà cụ thể là ông chủ lớn
Thành Công. Chỉ bởi ông ta quyết ngăn cản mối tình giữa hai người, nên
nhiều lần nói mà Liên và Quân không nghe, nên ông ta đã mượn tay một tên
cò mật thám Tây vu cho Quân tội chết, đày đi an trí ở một vùng rừng sâu
nước độc. Cậu ấy chết không biết có phải do sốt rét không, nhưng đem
xác về đây thì thân thể không còn trọn vẹn...
Thoa bỗng hỏi:
- Chú là sao với Quân?
Ông già Tư giọng trầm hẳn xuống:
- Tôi là cha ruột của nó. Chỉ vì nó là con của một quản gia nghèo như tôi, nên nó phải chết oan như vậy đó cô!
Ông bật khóc sau câu nói! Tlếng khóc của một ông già nghe thảm
thiết vô cùng. Thoa cũng phải khóc theo vì xúc động. Một lúc sau, Thoa
hỏi:
- Có phải vì muốn cưới Ái Liên bằng được cho con trai mình mà ông chủ đồn điền Thành Công đã quyết hại Quân?
- Điều đó ai mà không biết. Tôi cũng biết ngay từ đầu, nhưng
không ngờ ông ra tay độc ác quá như vậy, nên tôi trở tay không kịp, phải
đành nhận xác con mà khóc thôi!
Thoa quá bức xúc nên hỏi đại:
- Sao chú không tố cáo chuyện ấy? Mà tại sao vẫn tiếp tục ở lại nơi này?
Ông già Tư nhẹ thở dài:
- Tôi cũng biết hận, biết điên lên vì cái chết của con mình.
Tôi đã đôi ba lần định trả thù bằng chính bàn tay mình cho hả. Nhưng rồi
khi nhìn thấy Ái Liên đau khổ trong vòng tay người chồng giàu có mà nó
không yêu thương, tôi đã nguôi được hận thù. Tôi quyết làm một việc gì
đó cho nó, con dâu hụt của tôi.
Thoa hơi rụt rè một chút, rồi lại hỏi:
- Sao nhà họ giàu như vậy mà không chữa cho chị Liên hết bệnh tâm thần? Nghe nói chị ấy cũng chỉ bị hoang tưởng thôi...
Ông già chợt thở hắt ra:
- Chỗ này coi như tôi đã trả được thù rồi!
Thoa ngạc nhiên:
- Chú nói vậy là sao?
- Con Ái Liên đã hết bệnh từ lâu rồi!
Câu nói làm cho Thoa trố mắt nhìn, hỏi lại:
- Chú nói thật? Nhưng sao chị ấy còn phải đi nước ngoài chữa bệnh?
Đột ngột đứng dậy và đi thẳng ra nhà sau, một lát ông già trở
lại với một phụ nữ mặc y phục toàn đen. Người đó lặng lẽ đi bên cạnh ông
già, tuy im lặng nhưng hoàn toàn tỉnh táo, bước đi khoan thai. Đến gần
Thoa, ông Tư lên tiếng:
- Chào cô giáo đi con. Chính cô đây là cô giáo dạy cho Ái Lan. Nó mến cô Thoa này lắm.
Ông quay sang người phụ nữ, giới thiệu:
- Đây là... Ái Liên, con dâu tôi!
Thoa kêu lên:
- Chị Liên mà chú kể nãy giờ?
- Nó đó.
- Thế chị không phải đang ở nước ngoài?
Người phụ nữ không đáp, chỉ nhẹ mỉm cười rồi lắc đầu. Ông già Tư phải nói thay:
- Đi nước ngoài là cách nói của thằng Thành Đức mà thôi. Bởi
nó không muốn ai biết vợ chồng nó trong hoàn cảnh này. Đã từ mấy năm nay
rồi, con Ái Liên bỏ nhà đi và về đây ở với tôi, với mộ chồng của nó, mà
Đức và mọi người không ai biết. Kể cả con Ái Lan cũng chỉ mới biết gần
đây thôi...
- Ái Lan? Cháu bây giờ ở đâu?
Từ đằng sau, một cô bé chậm rãi bước vào. Vừa thấy Thoa, nó đã nhào tới ôm chầm lấy:
- Cô! Sao cô biết con ở đây mà tới?
- Cô tưởng con...
Con bé liến thoắng:
- Con ở đây với mẹ chớ có đi nước ngoài đâu! Con nhớ cô lắm,
nhưng mẹ nói để tháng sau mới cho về thăm cô, cho giống như mới đi nước
ngoài về.
Bấy giờ người phụ nữ mới lên tiếng, giọng dịu dàng, dễ nghe:
- Cháu nó đòi chạy về thăm cô hoài, nhưng tôi chưa cho. Mỗi năm mẹ con mới có dịp ở với nhau mấy tháng hè mà...
- Vậy ra...
- Cháu nó ở đây với tôi từ mấy tuần nay. Tuy thiếu tiện nghi, nhưng nhiều cảnh đẹp, vả lại bên cạnh cháu còn có... cha cháu đây!
Ông già Tư chen vào:
- Lúc đầu khi mới về đây chơi với mẹ nó, con bé sợ nấm mộ này
lắm, nhưng lần hồi nó chẳng những không sợ, mà trưa nào cũng ra đây, leo
lên mộ nằm chơi.
Thoa không thể tưởng tượng nổi những điều ông già vừa kể. Phải
đến khi bé Lan chợt buông cô ra, chạy tới ôm lấy ngôi mộ một cách trìu
mến, như ôm một người thân! Ái Liên kéo tay con và nói:
- Sao con không mời cô vào phòng mình chơi. Con lấy tặng cô những con bướm đẹp mà con bắt hổm rày đi!
Bé Ái Lan reo lên:
- Vào đây cô Thoa!
Thoa ngạc nhiên khi nhìn căn phòng phía sau. Nó tuy không rộng
lắm, nhưng cũng đầy đủ tiện nghi cho một phụ nữ sinh sống. Bé Ái Lan
hồn nhiên chỉ vào một cái lồng đầy những bướm:
- Chính con bắt đó cô. Ban đầu con không biết bắt, nhưng nhờ
mẹ chỉ, nên bây giờ con bắt hay lắm rồi! Để lát nữa con dẫn cô ra ngoài
kia bắt bướm, hái hoa, nhiều hoa đẹp lắm!
Buổi trưa hôm đó, mặc dù tìm đủ cách để từ chối, nhưng Thoa
cũng phải ở lại ăn với họ một bữa cơm. Trong khi ăn, Ái Liên chỉ yêu
cầu:
- Cô nhìn thấy cảnh sống của tôi rồi đó. Tôi hoàn toàn tỉnh
táo, nhưng tôi không thể trở về cuộc sống kia được nữa. Tôi đã thề là sẽ
sống ở đây cho đến ngày chết. Hay ít nhất cũng đến ngày con gái chúng
tôi đến tuổi trưởng thành, lập gia đình riêng...
Thoa ngạc nhiên:
- Chị nói... con chúng tôi, nghĩa là sao?
Ái Liên ôm con vào lòng, vừa đáp:
- Nó là giọt máu mà Quân đã để lại trong tôi khi anh ấy bị đưa đi an trí và chết.
Nếu không trực tiếp nghe người phụ nữ này kể thì chắc Thoa khó
mà tin được. Cô liếc mắt nhìn sang ông già Tư, ông nhẹ gật đầu như xác
nhận điều Ái Liên nói là đúng.
Thoa cảm giác như mình vừa nhận được một tin vui của chính
mình. Cô nhìn mẹ con họ mà như muốn ôm họ và chúc mừng thật nồng nhiệt!
Biết là không nên ở lâu, Thoa đứng lên kiếu từ:
- Xin phép chú Tư, xin phép chị, em về. Em xin hứa với chị là
không bao giờ nói lại chuyện này với ai. Nếu chị cho phép thì thỉnh
thoảng em tới đây thăm chị và cháu Lan.
Ái Liên vui lắm:
- Cám ơn cô nhiều. Tôi tin cô.
Tiễn chân Thoa ra tới nửa đoạn đường, ông già Tư mới nói:
- Còn chuyện này nữa, cô có biết tại sao thằng Đức nó cho cô và cô Sương tới ở ngôi nhà đó không?
- Dạ, nghe nói do nhà bỏ trống quá lâu, nên cần có sinh khí...
- Không đúng đâu. Ngôi nhà này là nỗi ám ảnh của nó! Từ mấy
năm nay nó có bước về đâu, chỉ vừa rồi khi đưa hai cô tới ở nó mới về.
Nhưng sau chuyến đó thì rồi nó sẽ không bao giờ trở lại đây nữa!
Thoa kinh ngạc:
- Sao vậy chú?
- Nó đang bệnh rất nặng! Đó là hậu quả mà nó phải nhận từ thằng Quân.
Thoa càng không hiểu:
- Vậy là sao?
- Hồn ma thằng Quân chớ sao.
Thoa trố mắt:
- Anh Quân thành ma?
- Tôi nói ra điều này cho mình cô biết, đừng nói lại với ai.
Ngôi nhà cô đang ở chỉ cô và cô Sương ở được, bởi hai cô là cô giáo của
con Ái Lan. Còn ngoài ra không ai bước chân tới được, nhất là thằng Đức.
Oan hồn thằng Quân không để cho ai tới đó. Ấy là nguyên nhân lâu nay
thằng Đức bỏ hoang ngôi nhà. Nó sợ bị trả thù!
Thoa hơi run:
- Nhưng cháu... cháu...
Ông Tư trấn an:
- Tôi có thể đoan chắc với cô, con trai tôi là ma với ai, chớ
với người ơn của nó thì không bao giờ. Trái lại, nó còn là người bảo vệ
cho cuộc sống yên lành của cô nữa. Tin tôi đi, đừng sợ.
Thoa gật đầu. Nhưng suốt ngày hôm đó cô cứ ngay ngáy lo... Vậy
mà suốt ba tháng hè Thoa vẫn sống yên ổn, vui vẻ trong ngôi nhà đó.
Ngày ngày cô vẫn lui tới thăm mẹ con Ái Liên. Nửa tháng sau, cô nghe tin
Thành Đức chết vì căn bệnh lạ. Như vậy, phải chăng mọi điều tốt đẹp sẽ
tới với Ái Liên, Ái Lan...