Hôm nay quan chức các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia
Đông Nam Á và Trung Quốc đã nhất trí về một loạt hướng dẫn thực thi một
tuyên bố chung có từ cách đây hơn 9 năm, nhằm duy trì hòa bình và ổn
định trên vùng biển tranh chấp này.Thỏa thuận đạt được trước khi các bộ trưởng ngoại giao
của các bên nhóm họp tại Bali, Indonesia ngày mai, trong khuôn khổ một
loạt các hội nghị của ASEAN.
Biển Đông là vùng biển chứa các tuyến hàng hải quan
trọng nối Đông - Tây và có trữ lượng dầu khí lớn. Tranh chấp chủ quyền
các vùng nước và đảo trong khu vực diễn ra nhiều năm qua giữa một số
nước là thành viên ASEAN và Trung Quốc. ASEAN và Trung Quốc ký Tuyên bố
về ứng xử Biển Đông (DOC) năm 2002.
|
Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Quang Vinh (phải) và trưởng đoàn Trung Quốc Lưu Chấn Dân sau cuộc họp sáng nay. Việt Nam đóng vai trò điều phối cuộc họp cùng nước chủ nhà Indonesia trong phiên họp của các quan chức cấp cao (SOM). Ảnh: AFP. |
"Thông qua thảo luận và đối thoại có tính xây dựng và
hiệu quả, chúng tôi đã có thể - ở cấp độ của chúng tôi (quan chức cấp
cao) - đi tới thỏa thuận về dự thảo các biện pháp hướng dẫn", ông Phạm
Quang Vinh, trưởng đoàn quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết.
"Đây là bước khởi đầu quan trọng và tốt đẹp để chúng
ta làm việc cùng nhau trong việc tiếp tục đối thoại và hợp tác, vì ổn
định và tin tưởng trong khu vực",
AFP dẫn lời ông Vinh nói với các phóng viên sau buổi họp sáng nay.
Trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho biết
các quan chức cấp cao sẽ trình thỏa thuận đạt được lên cấp bộ trưởng
trong cuộc họp ngày mai, để các bộ trưởng thông qua.
"Đây là một tài liệu có tính quan trọng bước ngoặt trong việc hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ASEAN",
AFP dẫn lời ông Lưu nói.
Ông Vinh và ông Lưu cho biết thêm rằng cuộc họp quan
chức cấp cao tới đây của hai bên ASEAN và Trung Quốc sẽ diễn ra ở Trung
Quốc.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị bộ trưởng ASEAN
hôm qua, Tổng thống Indonesia - nước chủ nhà và là chủ tịch hiệp hội -
nói rằng cần đẩy nhanh việc soạn thảo văn bản hướng dẫn, và rằng việc
này đã "chậm chạp" trong suốt thời gian qua.
Văn bản hướng dẫn, ra đời gần 10 năm sau khi DOC được
đưa ra, quy định các cách thức để thực hiện DOC nhằm điều chỉnh các hoạt
động trên Biển Đông.
Theo các quan chức
Indonesia, các bản dự thảo của văn bản hướng dẫn này đưa ra các quy tắc
về bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, an toàn hàng hải và
truyền thông, tìm kiếm và cứu hộ, và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc
gia. Tuy nhiên, theo
Reuters, văn bản này không đề cập vấn đề
khoan dầu khí. Hiện nội dung cụ thể của văn bản vẫn chưa được công bố,
nó sẽ được trình cho các bộ trưởng vào ngày mai.
Mục tiêu xa hơn nữa của các bên là tiến tới một Bộ Quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý - thường được đề cập với tên COC.
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông dự kiến sẽ là chủ
đề quan trọng trong Diễn đàn an ninh khu vực ARF diễn ra cuối tuần này.
ARF quy tụ đại diện của nhiều cường quốc trong châu Á Thái Bình Dương.
Năm ngoái, tại AFR ở Hà Nội, bà Clinton khiến thế giới chú ý khi tuyên
bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia đối với an toàn và tự do hàng hải ở Biển
Đông.