Trên địa hạt xã hội, dân chúng Ấn Độ hồi đó được
phân chia thành bốn giai cấp:
(1) Hàng Tăng lữ thuộc giai cấp Bà La Môn
(Brahman),
(2) Vua chúa thuộc giai cấp Sát Đế Lỵ,
(3) Thương buôn, nông phu và thợ thuyền thuộc giai
cấp Phệ Xá (Vaisya), và
(4) Tiện dân bần cùng thuộc giai cấp Thủ Đà La
(Sùdra).
Hệ thống giai cấp này theo chế độ cha truyền con
nối, các người khác giai cấp không được cưới nhau, không được cùng nhau hành lễ
tế tự và không được ăn chung bàn. Giai cấp Thủ Đà La là giai cấp cùng đinh bị
khinh miệt và bị hành hạ, nên đời đời làm nô lệ phục vụ cho ba giai cấp trên.
Giai cấp này bị khinh bỉ đến nỗi một người Thủ Đà La đến gần một giếng nước,
thời giếng nước ấy xem như đã trở thành dơ bẩn, không dùng được cho ba giai cấp
trên và người Thủ Đà La nào vi phạm tội ấy có thể bị ném đá cho đến chết. Chính
sự kỳ thị này đã gây ra một tổ chức xã hội cực kỳ bất công.
Cho đến cuối thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch đẳng cấp
Bà La Môn hoàn toàn ngự trị trên toàn thể dân chúng Ấn, họ hợp nhất quyền lực
chính trị vào quyền lực tôn giáo, đặt thêm nhiều nghi lễ tế tự phiền toái để
trói buộc dân chúng nhằm củng cố giai cấp thống trị. Thời kỳ này có nhiều luận
chấp về Tự Ngã và nảy sinh nhiều phe phái, từ những luận chấp về quá khứ, về
tương lai, cho đến luận chấp về hiện tại Niết Bàn. Tất cả các luận chấp này đều
dựa vào sự xúc đối phân biệt của sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý
thức). [1]
Trong
khung cảnh ấy, nền giáo lý đạo Phật ra đời như một luồng gió mới, một cuộc cách
mạng giải phóng con người ra khỏi tình trạng bất công hà khắc về giai cấp xã
hội, thoát khỏi ngục tù nô lệ tư tưởng, khỏi những nghi lễ tế tự phiền toái của
hàng giáo sĩ độc tôn Bà La Môn.
Còn về
nội dung giáo lý thì có nhiều điểm dị biệt với Bà La Môn Giáo, như trong khi
kinh Vệ Đà thường ca ngợi vẻ huy hoàng, tưng bừng và mầu nhiệm của cuộc sống
thì đức Phật, trong giáo lý Tứ Đế, Ngài nói rằng cuộc đời là bể khổ.
Lời tuyên bố này là cơ sở xuất phát ra nền giáo lý
đạo Phật. Song điểm
khác biệt độc đáo là giáo lý Vô Ngã của Phật, tương phản với giáo lý Ngã của Vệ
Đà. Đây là điểm
khác biệt quan yếu có tính cách nền tảng giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo.
Một
đằng chủ trương các thuyết liên hệ đến Ngã, một đằng chủ trương hết thẩy các
pháp là Vô Ngã, và cho rằng phải phá chấp ngã, vì chấp ngã là nguồn gốc sinh ra
vô minh, mà vô minh là đầu mối của luân hồi sinh tử và khổ đau của con người.
Một điểm khác biệt nữa ở mặt hiện tượng xã hội rất
dễ nhận thấy, đó là Phật giáo chủ
trương bình đẳng giai cấp, bình đẳng giữa con người có máu cùng đỏ
và nước mắt cùng mặn. Bình đẳng không chỉ thể hiện trong việc giao tiếp xã hội
mà còn thể hiện trong tâm của mỗi người.
Trong
thời Đức Phật còn tại thế, hai sự thành công rõ nét nhất tại Ấn Độ là sự bãi bỏ
chế độ giai cấp và sự thiết lập Giáo hội Tỳ Kheo Ni.
Dù bất
cứ một bộ phái hay tông phái Phật Giáo nào từ trước cho đến ngày nay cũng đều
phải thừa nhận đó là hai nét nền tảng khác biệt giữa Phật Giáo và Bà La Môn
Giáo.
Chính vì hai điểm khác biệt này mà có một số tín
đồ và đạo sĩ Bà La Môn Giáo cho đến nay vẫn xem Phật Giáo như là thù nghịch,
cho rằng chính Đức Thế Tôn đã đả phá tôn giáo của họ, đã làm đảo lộn truyền
thống tôn ti trật tự xã hội của họ. Chúng tôi sẽ lần lượt giải thích chi tiết
dưới đây, đặc biệt trong lãnh vực tư tưởng và giáo lý:
Trong suốt chiều dài của lịch sử Phật Giáo, tính
cách đồng nhất trong khác biệt là một đặc tính nổi bật. Mặc dù các nhà Phật Giáo Nguyên Thuỷ và Phật
Giáo Đại Thừa không đồng quan điểm với nhau về một số vấn đề, nhưng cả hai đều
công nhận giáo lý Vô Ngã và Duyên Khởi là giáo lý nền tảng của đạo Phật, là
giáo lý chung cho tất cả các bộ phái hay tông phái Phật giáo.
Vô Ngã
là một trong ba thành phần của Tam Pháp Ấn, chỉ định
tính cách đích thực giáo pháp của Phật, không thể nhầm lẫn với giáo pháp ngoại
đạo.
Tam Pháp Ấn theo Phật Giáo Đại Thừa là Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn [2]. Nhưng theo Phật Giáo Nguyên Thuỷ là Vô
Thường, Khổ và Vô Ngã.
Vô Ngã cũng là duyên khởi vì vô ngã là duyên sinh
biểu thị ở mặt hiện tượng và duyên sinh là vô ngã biểu thị ở mặt thể tính. Sự
kiện này được biểu thị bằng mối quan hệ y tha (paratantra), như sóng là hiện
thân của nước, và nước là thể tính của sóng.
Chính vì thế mà cả Phật Giáo Nguyên Thuỷ lẫn Phật
Giáo Đại Thừa đều đồng ý rằng: “Ai thấy được lý Duyên Khởi, người ấy thấy được
Pháp; Ai thấy được Pháp, người ấy thấy được lý Duyên Khởi”. [3] Chính Đức Phật
nói rằng Ngài và các Đức Phật thời quá khứ đều chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề từ
giáo lý Duyên Khởi. [4] Và chính Bồ Tát Long Thọ cũng nói rằng, “nếu không có
Tứ Đế và Duyên Khởi, thời không có Phật, Pháp và Tăng, vì chính nhờ hai giáo lý
này mà sự thật tuyệt đối mới chứng đạt và vì vậy được chấp nhận trong giáo lý
của các nhà Đại Thừa.” [5]
Một lần sau khi nghe về Duyên Khởi, thầy A Nan thưa:
- “Bạch đức Thế Tôn, lý Duyên Khởi hay quá mà cũng
thật đơn giản, dễ hiểu.
Phật nói:
- “Thầy đừng nghĩ như vậy, lý Duyên Khởi rất sâu
sắc và nhiệm mầu. Thầy chưa hiểu được hết đâu. Người nào thấy được tính duyên
khởi tức là thấy được Như Lai”.
Câu nói đó phải học thuộc lòng. Tất cả giáo lý của đạo Phật đều lấy lý Duyên
khởi làm nền tảng [6].
***
Kinh sách dẫn chiếu:
[1] Thích Minh Châu, Kinh Trường Bộ I, Kinh Phạm Võng, tr. 11-91, Viện Nghiên Cứu PHVN 1991
[2] Thích Minh Châu, Kinh tạng Bắc Tông, Kinh Tạp A Hàm, Kinh số 262, quyển thứ 10 và Đại Trí Độ Luận của Bồ Tát long Thọ sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, cũng nói rất rõ rằng Tam Pháp Ấn là Vô Thường, Vô Ngã và Niết Bàn.
[3] Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ I, số 28 Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, tr. 422, ĐTKVN Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam 1992, Tương Ưng Bộ III, tr. 144 và Tiểu Bộ Kinh I, tr. 48
[4] Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ II, Kinh Tương Ưng Nhân Duyên, bản dịch của Thích Minh Châu, Tu Thư Phật Học Vạn Hạnh 1982 tr. 5
[5] Đại Thừa và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, nguyên tác:Nalinaksha. Dutt, bản dịch HT. Minh Châu, NXB TP. HCM 1999, tr. 80
[6] Trái Tim của Bụt, Thích Nhất Hạnh, tr. 27, Lá Bối 1999